Trong quy hoạch năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Đồng Nai, tỉnh này sẽ đóng vai trò là vùng phát triển kinh tế động lực của vùng TP.HCM và quốc gia; đầu mối giao thương quốc tế của vùng và quốc gia. Cũng từ đây, sóng dịch chuyển của doanh nghiệp địa ốc với TP. Biên Hòa bắt đầu sôi động.
LTS: TP. Biên Hòa là đô thị loại I, cũng là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sông Đồng Nai chảy qua, cách trung tâm TP.HCM 30 km, cách TP. Vũng Tàu 90 km. Biên Hòa là thành phố thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, tương đương với 2 thành phố trực thuộc trung ương là Đà Nẵng và Cần Thơ và cao hơn dân số của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đặc biệt, TP. Biên Hoà sở hữu 5 khu công nghiệp lớn, với hơn 400.000 lao động và khoảng 10.000 người là chuyên gia nước ngoài. Vậy nhưng, thị trường bất động sản nơi đây nhiều năm qua phát triển chưa xứng tầm.
Sóng ngầm đổ bộ săn quỹ đất đón đầu quy hoạch
Trong Quy hoạch xây dựng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt nêu rõ: Đến năm 2020, Đồng Nai cơ bản là tỉnh công nghiệp phát triển, đến năm 2030 sẽ trở thành một Trung tâm công nghiệp – đô thị hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ chất lượng cao và cùng lâm nghiệp hiện đại phát triển cân bằng và bền vững.
Đến năm 2050 sẽ tập trung nâng cao chất lượng đô thị, phát triển mô hình đô thị sinh thái. Ngoài ra, Đồng Nai sẽ đóng vai trò là vùng phát triển kinh tế động lực của TP.HCM và quốc gia, cửa ngõ giao thương của 3 vùng kinh tế, đầu mối giao thương quốc tế của vùng và quốc gia.
Đặc biệt, tỉnh đặt TP. Biên Hòa là vùng I, vùng công nghiệp – đô thị – dịch vụ. Trong đó tập trung phát triển vùng đô thị và đô thị hóa cao đa chức năng gắn với phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ngành, công nghiệp hỗ trợ, phát triển các trung tâm thương mại – tài chính cấp vùng; Trung tâm kho vận, tiếp vận lớn, phát triển dịch vụ du lịch, giải trí, du lịch cảnh quan, văn hóa lịch sử…
Còn trong Quy hoạch vùng TP.HCM mở rộng được Thủ tướng Chính phủ công bố đầu năm 2018 với việc TP.HCM là trung tâm kinh tế vùng và 7 tiểu vùng trong đó có Đồng Nai nằm phía Tây của vùng TP.HCM mở rộng với trung tâm chính là TP. Biên Hòa, Long Thành sẽ phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao. Tăng cường phát triển các chức năng về thương mại, y tế, giáo dục – đào tạo, thể dục thể thao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và trung tâm hàng hóa…
Để thực hiện câu chuyện kết nối vùng, tỉnh Đồng Nai cũng đã tiến hành phát triển các dự án giao thông trọng điểm nối với TP.HCM vào trung tâm đô thị loại I của tỉnh là Biên Hòa. Cụ thể, phê duyệt hàng loạt tuyến đường trọng điểm kết nối vùng: Theo quy hoạch đến 2030 sẽ gồm cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; Kéo dài tuyến Metro số 1 từ Bến Thành quận 1 TP.HCM đi theo 2 hướng về TP. Biên Hòa và đi trung tâm TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương)…
Đặc biệt, trước các quy hoạch trên, Kiến trúc sư Nguyễn Chí Hùng thuộc Viện Nghiên cứu thiết kế đô thị, Bộ Xây dựng, cho rằng: Biên Hòa đang có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm ở trung tâm kết nối Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên, đặc biệt Biên Hòa là cửa ngõ kết nối với đô thị lớn nhất nước là TP.HCM.
Các doanh nghiệp địa ốc lớn đã nhìn thấy rõ những lợi thế này để chuyển hướng về đây đầu tư. Từ đây các thương vụ M&A, những “con sóng ngầm” thâu tóm quỹ đất cũng như dự án bất động sản để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ dự án đón lõng bùng nổ quy hoạch, đã diễn ra tại Biên Hòa.
Đơn cử như việc năm 2019, Tập đoàn Novaland thâu tóm gần như toàn bộ đô thị Long Hưng rộng 700ha tại xã Long Hưng, Công ty Himlamland thâu tóm dự án chung cư rộng hơn 4ha tại TP. Biên Hòa. Năm 2020, Hưng Thịnh Land cũng thâu tóm một quỹ đất rộng hơn 2ha tại TP. Biên Hòa.
Cuộc đổ bộ dự án mới cũng rầm rộ triển khai như Công ty bất động sản Kim Oanh, Hưng Thịnh Land, Novaland… mở bán liên tục trong thời gian qua.
Sự dịch chuyển lớn ở năm 2021
TP. Biên Hòa đang được giới phân tích thị trường bất động sản ví von là lịch sử lập lại như TP. Dĩ An và Thuận An của tỉnh Bình Dương những năm 2018 tới năm 2019. Cụ thể, ở thị trường Dĩ An và Thuận An những năm trước đây luôn vắng bóng dự án bất động sản, đặc biệt là các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp tại hai khu vực này cũng như tại TP.HCM.
Tuy nhiên, sau khi hạ tầng giao thông kết nối với TP.HCM được quan tâm xây dựng thì các doanh nghiệp địa ốc hướng về đây phát triển mạnh mẽ. Cao điểm là năm 2020 đã có hơn 10 dự án chung cư hình thành và phát triển tại đây.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam (R&D DKRA Vietnam) đưa ra nhận định rằng TP. Biên Hòa được coi như một thành phố vệ tinh của TP.HCM, nhưng thực sự chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế, cũng như khơi gợi được nhu cầu thị trường.
Mặt khác, các dự án hạ tầng giao thông – xã hội tại Biên Hòa và xung quanh Biên Hòa trong thời gian qua chưa có nhiều đột phá nổi bật. Qua đó, phân khúc căn hộ cũng còn nhiều hạn chế, nguồn cung khiêm tốn, loại hình sản phẩm không đa dạng.
Bên cạnh đó, ông Hoàng đưa ra nhận định rằng có thể từ đầu năm 2021, phân khúc căn hộ tại Đồng Nai sẽ bắt đầu có những tiến triển tích cực. Điểm sáng sẽ là Biên Hòa và khu vực lân cận sân bay Long Thành; hay như việc mở rộng tuyến đường Xa lộ Hà Nội nối với TP.HCM, TP.HCM xây dựng và đưa vào hoạt động Bến xe Miền Đông Mới… Có những lý do để tin tưởng rằng phân khúc này sẽ sớm phát triển, đó là: Căn hộ là xu hướng tất yếu của đô thị, đặc biệt các đô thị có tính chất đặc thù như Biên Hòa – Đô thị vệ tinh của TP.HCM.
Đặc biệt, ông Hoàng cho rằng khi thị trường TP.HCM, Bình Dương đã phát triển mạnh, mức giá lên cao, Biên Hòa sẽ là thị trường mới, có nhiều lợi thế thu hút các chủ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân và người mua ở.
Đồng Nai là tỉnh giáp ranh TP.HCM, nhiều khu công nghiệp, có nhu cầu rất lớn về nhà ở cho lực lượng lao động là công nhân, quản lý, quản lý cấp cao, chuyên gia trong và ngoài nước. Nguồn cung mới ở phân khúc căn hộ hiện tại và tương lai ngắn hạn tại Biên Hòa còn rất ít nên đây là cơ hội cho khách hàng mua để ở và đầu tư. Đồng thời, mức giá căn hộ ở đây đang rất hấp dẫn, cạnh tranh so với nơi khác.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group đánh giá cao về triển vọng của thị trường bất động sản Đồng Nai, đặc biệt là TP. Biên Hòa. Vì với lợi thế là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối trực tiếp với quận 2, quận 9, Thủ Đức của TP.HCM, cùng một loạt công trình hạ tầng trọng điểm sắp khởi công như cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu… Biên Hòa sẽ tiếp tục giữ “vị trí hàng đầu” trên thị trường bất động sản vùng ven TP.HCM.
Đặc biệt, quy hoạch vùng TP.HCM đến năm 2030 đã định ra hướng phát triển khu vực này trở thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
“Trong đó, TP. Biên Hòa là vùng đô thị động lực phía Đông, có mối liên kết chặt chẽ với đô thị hạt nhân trung tâm TP.HCM, đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng của vùng TP.HCM. Việc phát triển dự án bất động sản phân khúc chung cư tại đây đang đón nhận sự quan tâm lớn, bởi theo tôi tiềm năng và nhu cầu nhà ở tại Biên Hòa hiện đang tốt nhất trong các tỉnh giáp ranh TP.HCM”, ông Phúc nhấn mạnh.
(Theo Gia Huy – Nhà đầu tư)